2. ROM Toolbox
Đây là ứng dụng đa tính năng, nó hỗ trợ rất rất nhiều thứ để can thiệp sâu vào hệ thống, một số bị giới hạn chỉ có thể dùng ở bản tính phí mà thôi. Phần nào bị tính phí, mình sẽ nói rõ để các bạn bạn biết. Cách chạy mỗi tính năng khá đơn giản, do đó chỉ khi nào cần thiết mình mới hướng dẫn chi tiết từng bước, còn lại giao diện khá trực quan nên bạn hoàn toàn có thể tự sử dụng được.
Tải về ROM Toolbox bản miễn phí (có một số tính năng giới hạn và áp dụng trả phí từng phần theo dạng in-app purchase)
Tải về ROM Toolbox bản tính phí (4,99$, có thể sử dụng tất cả mọi tính năng)
Thẻ Tools
ROM Management: những tính năng ở đây bao gồm:App Manager:
- Thẻ ROM List: Xem các bản ROM có thể cài trên máy của bạn, tuy nhiên nó khá ít và không dùng ngon. Việc tự tìm ROM sẽ tốt hơn và đảm bảo được cập nhật mới hơn
- Thẻ Management:
- Flash Recovery: Flash các bản recovery mới nhất (giống cách hoạt động của phần flash trong ROM Manager mà mình đã nói ở trên), tuy nhiên có thể flash recovery Touch khá hay mà không cần phải trả phí như ROM Manager.
- Reboot Recovery: khởi động vào recovery, bạn không phải nhấn các tổ hợp phím phức tạp.
- Install ROM from SD: chọn lập một tập tin zip chứa ở thẻ SD hoặc trong bộ nhớ máy để flash.
- Create Backup: tạo tập tin sao lưu toàn bộ máy, tuy nhiên chạy không tốt như ROM Manager, do đó phần này các bạn nên dùng ROM Manager như hướng dẫn ở post trên.
- Check for Updates: kiểm tra bản cập nhật mới cho ROM của bạn.
- Wipe Options: các tùy chọn xóa sạch dữ liệu của máy
Tính năng này hoạt động gần giống như các task manager khác, tuy nhiên nó cung cấp nhiều chức năng để bạn kiểm soát những ứng dụng và dịch vụ đang có mặt trên máy của mình. Bạn sẽ thấy được dung lượng bộ nhớ mỗi app tiêu thụ, chạm vào app bất kì sẽ có tùy chọn gỡ bỏ app, sao lưu, "freeze" (tạm ngưng, đóng băng) app, gửi bản backup của phần mềm đó cho người khác, quẹt tay qua bên phải thì có thể xóa dữ liệu đệm, tìm hiểu xem trong file APK đó có những gì. Nói chung là bạn có thể làm được rất nhiều việc, tuy nhiên có một số điều mình muốn nhấn mạnh ở App Manager:
+ Khả năng sao lưu và phục hồi ứng dụng: khi nhấn vào nút Backup, bạn có thể chọn lưu tập tin sao lưu trên bộ nhớ máy hoặc lưu lên các dịch vụ đám mây Box, Dropbox và Google Drive. Bạn để ý rằng khi chọn nơi sao lưu, có một dòng nhỏ dưới cùng ghi "Backup application data". Nếu bạn muốn sao lưu dữ liệu của app, hãy tick vào đây. Còn nếu không, chỉ có tập tin APK được sao lưu mà thôi. Tính năng này cực kì hữu ích nếu bạn muốn sao lưu save game hoặc cấu hình của các ứng dụng.
+ Khả năng Freeze/Defrost: khi chọn đông cứng một ứng dụng, bạn sẽ tạm thời không dùng nó được, trong app drawer cũng không thể tìm ra nó. Tính năng này sẽ hô biến để app tạm thời bốc hơi khỏi điện thoại hay máy tính bảng của chúng ta. Chỉ có App Manager mới thấy ứng dụng và "rã đông" (Defrost).
+ Những phần mềm bạn cài thêm vào sẽ có màu nền là đen, còn những app hệ thống có màu nền đỏ. Mình khuyên các bạn nên hạn chế Freeze hay dừng những app hệ thống bởi nó có thể khiến máy khởi động lại hoặc tệ hơn là không chạy lên được. Do đó, đừng chỉnh gì tới các app màu đỏ nếu bạn không biết rõ.
+ Trong màn hình của App Manager, khi kéo ngón tay từ rìa ngoài bên trái của máy vào trong màn hình, bạn có được tùy chọn "Backup Phone Data". Nút này sẽ cho phép bạn sao lưu danh bạ, các widget của app, những máy đã ghép đôi bằng Bluetooth, Bookmark trình duyệt, cấu hình hệ thống, danh sách nhạc, tin nhắn, từ điển người dùng, wallpaper và có cả cấu hình cho Wi-Fi nữa. Ví dụ như khi bạn cần reset lại máy, hãy dùng App Manager của ROM Toolbox backup hết những thứ này ra, lưu vào bộ nhớ trong hoặc ngoài rồi reset. Khi muốn phục hồi, bạn chọn dòng "Restore Phone Data".
+ Cũng khi kéo ngón tay sang trái và cuộn xuống dưới, chúng ta có mục APK Installer. Tính năng này sẽ tự động tìm kiếm tất cả những file APK bạn lưu trên máy và cho phép cài thật nhanh chóng. Bạn có thể chọn cài nhiều app cùng lúc.
+ Ở thẻ Tasks là những dịch vụ đang chạy, bạn có thể chọn một hoặc nhiều tiến trình để đóng "Force Stop" chúng cùng lúc, tính năng này thì giống như các Task Manager khác.
Root Browser: Trình duyệt tập tin hỗ trợ xem và thao tác với các tập tin hệ thống, giống Root Explorer hay ES File Explorer. Bạn cũng có thể đặt permission cho file hoặc folder, cut, copy, paste nhiều file cùng lúc, chia sẻ file, quản lí theo giao diện hai mảng giống Total Commander thời xưa.
Scripter: chạy các đoạn mã Linux do bạn soạn thảo sẵn. Cái này mình không đề cập vì không nhiều bạn cần đến.
Terminal Emulator: ra lệnh cho hệ thống bằng mã lệnh (giao diện dòng lệnh - CLI). Phần này cũng không nhiều bạn dùng nên mình không nói đến.
Thẻ Performance
CPU Control: kiểm soát xung nhịp tối đa và tối thủ của CPU, chỉnh scheduler và Governor, hơi tiếc rằng nó chưa chúng ta ép xung. Còn I/O Scheduler và Governor, mình sẽ giới thiệu kĩ bọn nó trong một bài viết sau này, các bạn chờ nhé.
Kernel Tweak: chỉnh các thông số liên quan đến kernel, ví dụ như chỉnh dung lượng bộ nhớ đêm, dung lượng mà máy ảo Linux cần giữ cho trống,… Phần này mình nghĩ chỉ những bạn cao cấp mới can thiệp, còn người dùng phổ thông sẽ không quan tâm mấy đến Kernel Tweak. Nếu muốn tìm hiểu thì cũng được thôi, ROM Toolbox có ghi rõ từng phần tùy chỉnh sẽ gây ra tác động gì với hệ thống nên bạn có thể dựa vào đó mà thử.
build.prop Editor: chỉnh sửa tập tin build.prop của hệ thống, ví dụ như bạn muốn "giả dạng" thiết bị của mình thành một dòng máy khác thì có thể biên tập file này.
Task Manager: quay lại App Manager khi nãy, nhưng bạn chỉ có tương tác với thẻ Tasks. Bạn cũng được phép sao lưu, gỡ bỏ, đông cứng dịch vụ hoặc app.
SD Booster: theo lời ROM Toolbox thì công cụ này giúp đẩy nhanh tốc độ đọc ghi dữ liệu cho thẻ nhớ SD bằng cách tạo bộ nhớ đệm. Tuy nhiên mình không thấy thay đổi rõ rệt lắm trên những máy mình thử qua. Các bạn thử xem sao nhé.
Thẻ Interface
Đây là nơi bạn có thể tùy biến những thành phần giao diện của máy.
Font Installer: cài và thay đổi font chữ của toàn bộ hệ thống, cái này hơn dài một tí và cũng có app riêng nên mình sẽ nói đến ở post bên dưới.
Boot Animations: thay đổi hình ảnh động mà bạn thấy khi máy khởi động lên. Trước đây khi muốn thay boot animation, chúng ta phải chép tập tin vào tít tận sâu trong file system, không tiện tí nào. Còn với ROM Toolbox, bạn có thể thoải mái lấy tập tin animation do mình chuẩn bị sẵn hoặc tải về các tập tin do ROM Toolbox đề xuất. Trong số những thứ mà app đề xuất có những hình động rất đẹp. Xin lưu ý là trước khi lấy animation khác đè lên animation mặc định của ROM hoặc nhà sản xuất, bạn nên nhấn vào nút Menu > chọn Backup để sau này lỡ có muốn quay lại bản gốc thì còn làm được.
Theme Manager: Phần này nhiều tính năng bị giới hạn ở phiên bản có phí. Thật ra app có cung cấp cho chúng ta một vài theme cũng khá đẹp, tuy nhiên không phong phú bằng việc bạn tự đi kiếm trên Internet. Mình có thử qua việc đổi hình nền cho khu vực notification trên hai máy thì nhận thấy rằng không có máy nào áp dụng được cả, thôi cho qua luôn. Nếu bạn nào dùng được, vui lòng comment cho mình biết nhé. Trước khi áp dụng bất kì theme nào máy cũng yêu cầu bạn backup nên nếu không thích, bạn hoàn toàn có thể phục hồi lại nguyên gốc giao diện của mình.
Statusbar Icons: Tại mục này, bạn có thể chọn thay biểu tượng trên thanh trạng thái (nằm trên cùng màn hình smartphone hoặc dưới cùng màn hình tablet). Tuy tính năng này hay nhưng lại không miễn phí và để có thể thay được các icon Statusbar, bạn sẽ phải trả 1,50$.
- Biểu tượng cho mạng 3G, 4G, GPS, Wi-Fi
- Biểu tượng khi sử dụng Android Debugging Bridge (ADB), download, kết nối USB
- Biểu tượng khi kích hoạt chế độ máy bay
- Biểu tượng của pin, thanh tín hiệu
- Biểu tượng khi máy đang ở chế độ rung
- Màu của statusbar
Theme Chooser: cho phép duyệt qua rất nhiều theme được thiết kế cho ứng dụng Theme Chooser (có trong một số ROM AOKP hay CyanogenMod). Tại đây có các theme miễn phí, theme kêu gọi đóng góp và có cả theme trả phí nữa. Lưu ý: trên máy của bạn bắt buộc phải có Theme Chooser thì mới sử dụng được tính năng này.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment