Facebook, Apple cũng “hốt hoảng” vì Viber, Line, Kakao Talk
Một loạt các ứng dụng nhắn tin như Viber, WhatsApp, và Kakao Talk đang khiến các đại gia công nghệ từ Silicon Valley đến Seoul lo ngại.
>> Nhà mạng mất hàng nghìn tỷ đồng/năm vì ứng dụng nhắn tin miễn phí
Một ngày thứ Bảy gần đây, Johan Dijkland, sinh viên 23 tuổi ở Hà Lan, mở ứng dụng nhắn tin miễn phí Line trên máy iPhone. Sau đó anh vỗ vào hình ảnh chú gấu trúc đang ngủ kèm theo dòng chữ “chúc ngủ ngon” và gửi cho bạn gái.
Tin nhắn của Dijkland chỉ là một trong số hàng chục tỷ tin nhắn được gửi đi mỗi ngày từ loạt ứng dụng gửi tin nhắn miễn phí. Những ứng dụng nhắn tin này - bao gồm Viber, WhatsApp, và KakaoTalk - đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của hàng trăm triệu người dùng smartphone trên toàn cầu.
Các dịch vụ nhắn tin này đang khiến cả Facebook và các nhà mạng đau đầu vì khi những người dùng như Dijkland gửi tin nhắn từ ứng dụng Line, nhà mạng Vodafone mà anh đang sử dụng và nhà sản xuất iPhone là Apple không được hưởng lợi nhuận gì.
Dijkland tâm sự ước tính mỗi ngày anh dành 3-4 giờ để gửi đi hàng chục tin nhắn và hình ảnh cho bạn bè từ các ứng dụng nhắn tin - và thời gian dành cho các kênh truyền thông khác như mạng xã hội Facebook đã giảm.
“Trên Line, bạn có thể nói chuyện, và có thể tương tác theo từng phút”, Dijkland nói, anh đã dùng Line từ 5 tháng nay. “Trên Facebook, bạn chỉ xem tin tức và sau đó, không còn gì hơn”.
CEO Jeanie của Line tại Mỹ cho biết Line đặc biệt phổ biến tại Nhật Bản, đã có hơn 110 triệu lượt tải. Ứng dụng này, cùng nhiều ứng dụng tương tự khác luôn có sẵn để tải, đang nhanh chóng thay thế các ứng dụng truyền thông khác trên các mẫu điện thoại BlackBerry, iPhone và nhiều máy khác.
Ứng dụng nhắn tin đặc biệt khiến nhà mạng đau đầu, vì nhiều năm nay nhà mạng vẫn dựa vào các dịch vụ nhắn tin để kiếm phần lớn doanh thu. Theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường Ovum, sự gia tăng của các ứng dụng nhắn tin miễn phí đã khiến các nhà mạng bị “nẫng tay trên” đến 23 tỷ USD doanh thu trong năm 2012.
Matt Murphy, một nhà đầu tư mạo hiểm tại Kleiner Perkins Caufield & Byers đã đầu tư vào dịch vụ nhắn tin và thoại textPlus, cho biết nhắn tin di động đã trở thành “kênh truyền thông chính” của mọi người. “Các ứng dụng này đang ngày càng được nhiều người dùng hơn”.
Vì thế, các công ty như mạng xã hội Facebook, nhà mạng Deutsche Telekom AG và hãng sản xuất điện thoại Samsung đang cố gắng kiếm một phần trong thị trường ứng dụng nhắn tin này.
Facebook đã mua lại hãng nhắn tin di động Beluga vào năm 2011 và gần đây cũng thể hiện mối quan tâm đến WhatsApp.
Mới đây, Deutsche Telekom cũng đầu tư 7,5 triệu USD vào ứng dụng nhắn tin Pinger. Nhà mạng lớn nhất Hàn Quốc SK Telecom năm ngoái cũng mua MadSmart, hãng sản xuất ứng dụng tin nhắn nổi tiếng TicToc. Tháng 10 năm ngoái, Yahoo Japan cũng mua 50% cổ phần trong chi nhánh Nhật Bản của công ty Kakao Corp.
Samsung lần đầu tiên tung ra ứng dụng nhắn tin riêng mang tên ChatOn vào cuối năm 2011, gần đây cũng đã bắt tay với đối tác MessageMe. Theo nguồn tin, Samsung đang cố gắng đầu tư vào phần mềm di động để mở rộng doanh thu của hãng.
Trong khi đó, các nhà sản xuất game xã hội như Zynga cũng đã có quan hệ đối tác với Tencent, công ty mẹ của WeChat, đồng thời bắt tay với Kakao và những hãng khác để quảng bá game của họ trên các ứng dụng nhắn tin này. Về lâu dài, Zynga dự định xây dựng dịch vụ nhắn tin thống nhất riêng cho mạng lưới game của hãng .
“Đây là một thị trường mà tất cả mọi người đang nói đến”, Talmon Marco, giám đốc hãng Viber nói. Ông cho biết Viber hiện có hơn 175 triệu người dùng, cao gấp 3 năm ngoái. Gần đây, Viber đã ký hợp tác với nhà mạng AXIS Telekom của Indonesia để được là ứng dụng nhắn tin ưu tiên trên mạng lưới, và dự định công bố gần chục mối quan hệ đối tác khác với các nhà mạng khác trong mấy tháng tới. Marco nói Viber cũng đang nói chuyện với các công ty game về việc quảng bá game trên nền tảng của họ.
Các công ty công nghệ lớn nhận thức rõ ứng dụng nhắn tin di động là một ưu tiên hàng đầu. Peter Deng, giám đốc quản lý sản phẩm của Facebook phụ trách về các ứng dụng truyền thông, nói các ứng dụng nhắn tin không phải là mối tập trung lớn cách đây 2 năm, nhưng hiện nay ông dành đến 75% thời gian để nghĩ về dịch vụ nhắn tin di động, “bởi nó rất quan trọng với người dùng”.
Facebook hiện đang ưu tiên cao cho dịch vụ nhắn tin di động. Công ty đã ra dịch vụ nhắn tin riêng hồi cuối năm 2011 và gần đây Facebook đã bổ sung thêm các tính năng mới cho ứng dụng của hãng, như thoại, thư thoại. Hãng dự định sẽ tăng tốc ra mắt sản phẩm nhắn tin mới.
Ứng dụng nhắn tin, còn được gọi là các ứng dụng “over-the-top” bởi người dùng không phải trả tiền trực tiếp cho nhà mạng khi sử dụng dịch vụ, và họ còn có thể thực hiện nhiều chức năng khác như thư thoại, chụp ảnh, game và các sticker ảo rất phổ biến với những người dùng trẻ tuổi.
Hoàng An
Theo WSJ
0 comments:
Post a Comment